Tuổi 20, ta yêu bằng sự ngây thơ, bằng cố chấp, bằng những kỳ vọng lớn lao về một tình yêu màu hồng.
Tuổi 30, ta yêu bằng hoài nghi, bằng thận trọng và dè dặt trước những viễn cảnh rực rỡ. Trái tim vẫn khát khao yêu hết mình, nhưng niềm tin đã bị chai sạn sau những thất bại tuổi trẻ.
Mạn Ni của 30 Chưa Phải Là Hết đã nói một câu khiến nhiều phụ nữ ở độ tuổi ấy phải ngẫm nghĩ: "30 rồi, chỉ dám tin những điều mắt nhìn thấy, tay chạm được". Có lẽ đó là một trong những điều khác biệt nhất của một cô gái đôi mươi và một người đàn bà ba mươi.
Thoạt nghe, câu nói này khiến người ta nghĩ đến một người phụ nữ đã đánh mất nhiều thứ trong cuộc sống, mà tình yêu là phần không nhỏ trong đó. Và cũng có thể chuyện mất đi một loại niềm tin hường phấn nào đó của chị em phụ nữ là điều bình thường khi đã chạm ngưỡng 30, sau nhiều trải nghiệm không hay ho, nhiều ký ức không đẹp. Có nhiều người trong số họ có thể đã trải qua vài chuyện tình, thậm chí một cuộc hôn nhân đổ vỡ để không còn tin vào sự phù phiếm của những lời đường mật, những hứa hẹn.
Còn tình yêu, ai có thể cắt nghĩa hoàn toàn tình yêu? Ai có thể biết trước điều gì đang chờ mình ở phía trước trong giây phút đặt những bước chân đầu tiên vào một mối quan hệ? Tình yêu là thứ khi mới đến với nó, ta chẳng nhìn thấy hay chạm vào, nhưng sẽ vẫn tin hay kỳ vọng ở hoa hồng. Tình yêu vô hình như một bóng ma, không logic, không cơ sở tư duy, thì việc phải lựa chọn giữa tin và không tin - là điều duy nhất mà ta có thể làm.
Mạn Ni thì không phải người phụ nữ mất niềm tin. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng vậy, không mất niềm tin vào tình yêu nhưng đã học được cách hoài nghi tình yêu. Thế giới này lập trình theo một vòng tuần hoàn niềm tin mà người nọ đặt vào người kia. Khi ta tin, tức là ta đã rút gọn phương trình cuộc sống, khiến nó trông có vẻ đơn giản hơn, lạc quan hơn bởi chẳng ai có thể hưởng thụ trọn vẹn những khoái cảm cuộc đời mà trong lòng luôn chất chứa hoài nghi.
Sâu xa hơn về tình yêu, thứ Mạn Ni ám chỉ "mắt nhìn thấy, tay chạm được" là những hành động thực tiễn của đối phương. Một người nói thích, yêu ta, ta cảm tạ và tạm tin. Nhưng lồng ghép trong bức tranh lớn về tình yêu để đi đến một mối quan hệ, ta lại nên đặt lại vấn đề một chút, hoài nghi một chút để đi đến một kết luận vi tế và sâu sắc hơn về yêu. Người đó đã bày tỏ, thể hiện tình yêu thế nào? Hay tất cả mới chỉ là trót lưỡi đầu môi?
Yêu là sự tiến hóa bậc cao của thích. Một người hay nhiều người thích bạn vì bạn xinh đẹp, thông minh, thú vị. Người yêu bạn thì không chỉ yêu bạn vì những đặc điểm nặng về bề ngoài như thế. Nên thích không phải là yêu. Người ta có thể tùy ý thích một người, nhưng lại nên có trách nhiệm khi đó là tình yêu. Sự hoài nghi ở mức vừa đủ cho phép chúng ta tìm ra được ẩn số xác đáng cho câu hỏi liệu đó có phải là yêu. Nhưng cũng không phải để ta mất niềm tin đến độ cái gì cũng phải chạm vào thì mới tin.
Thật khó để tìm được ai đó tự tin rằng mình không thích nghe những lời đường mật ngọt ngào, dù là phụ nữ ở tuổi nào. Anh yêu em, anh nhớ em, anh sẵn sàng chết vì em, anh sẽ nuôi em… tất cả những cảm thán đó của đàn ông, ở trong một hoàn cảnh ngữ cảnh phù hợp đều rất lọt tai và… đáng tin.
Thế nên mới có những tự vấn của chị em, tại sao hôm qua anh ấy thế này mà hôm nay lại thế khác, anh ấy đã từng nói vậy mà giờ lại thế... Rồi đôi khi chỉ vì một lời hứa, mà phụ nữ hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để chờ đợi mỏi mòn lời hứa đó thành sự thật. Tình yêu là thứ ta không thể chạm vào được, nhưng có thể cảm thấy từ sự đồng điệu giữa lời nói và hành động.
Nói tới hành động để thể hiện tình yêu thì lại càng vô cùng. Bởi đôi khi có những điều trông vậy mà không phải vậy. Hãy lấy một ví dụ điển hình qua câu chuyện tình yêu của trai Tây, gái Việt. Đàn ông phương Tây phần lớn có khả năng "thôi miên" bằng sự tinh tế, nhẹ nhàng, tâm lý của họ dành cho phụ nữ.
Họ có khả năng tự nhiên đối xử lịch thiệp, ngọt ngào đối với đủ các loại quan hệ cùng phái nữ. Rồi họ khiến bạn nghĩ rằng bạn thật đặc biệt trong mắt họ dù cả hai mới chỉ đang hẹn hò. Họ mới chỉ nhìn âu yếm một chút, khen bạn đẹp vài lần, kéo cái ghế ăn, mở cửa xe, nhìn bạn khi ngủ, nấu cho bạn vài bữa ăn…thế là đã nghĩ ngay rằng anh ấy thích, yêu mình lắm mà không biết rằng một anh Tây có thể đối xử với cả chục cô y hệt như thế, thậm chí cùng một lúc.
Và đó là "cái bẫy" mà không ít cô gái trẻ từng rơi vào khi quen biết Tây. Họ tưởng rằng họ đang được yêu, chỉ vì đối phương khác biệt văn hóa, hoặc đang bận quá mà thôi. Hoặc họ tưởng rằng chắc anh ấy cần thời gian để chính thức gọi họ là bạn gái, chỉ 1, 2 tháng nữa họ chờ được.
Thế rồi họ cứ chờ cho đến khi chính anh Tây chủ động giảm bớt tần suất gặp gỡ và liên lạc rồi dần dần mối quan hệ kết thúc lúc nào không hay mà chẳng cần một lời nói, tin nhắn chính thức nào. Bởi đơn giản đối với các anh Tây, đó chỉ là một cuộc hẹn hò nam-nữ, không phải một mối quan hệ yêu đương. Lúc này thì chỉ có phụ nữ là thiệt thòi, vì đã trót nặng tình cảm và đặt nhiều kỳ vọng vào anh Tây cũng như mối quan hệ đó. Trong tiếng Anh, ta có thể gọi những mối quan hệ kiểu đó là "casual sex", "dating", chứ một "relationship" thì sẽ khác lắm.
Tất nhiên ta không thể đánh đồng tất cả đàn ông Tây đều vậy vì ở đâu cũng có người nọ người kia. Nhưng những câu chuyện "shock văn hoá" khi yêu, hay việc ngỡ ngàng nhận ra là những ngọt ngào thuở ban đầu thật ra cũng chỉ là chiều chuộng, galant chứ chưa hề có sự cam kết. Hệ quy chiếu về hành động thể hiện tình yêu vì thế cũng tương đối, và tùy thuộc văn hóa, hoàn cảnh.
Dù ở tuổi nào thì phụ nữ cũng đều nên tin vừa đủ, hoài nghi vừa đủ, dù để làm được đến thế có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng sẽ phải trải qua nhiều lần nếm cay đắng, thất vọng và dối lừa. Nhưng vì bản chất cuộc sống là vòng tuần hoàn của niềm tin, thì… sợ gì mà không tin?
Bởi niềm tin luôn là một trong những thứ tốt đẹp nhất. Và bởi có niềm tin, nên ngay cả khi đổ vỡ, ta cũng có thể mỉm cười vì mình đã yêu hết mình.