Lợi thế của 'con nhà giàu' không chỉ ở tiền

Thứ sáu - 24/09/2021 02:46
Cha mẹ cần nỗ lực tích lũy vì tương lai của con cái thay vì ngụy biện "con nhà nghèo nhưng nỗ lực sẽ thành công".
Lợi thế của 'con nhà giàu' không chỉ ở tiền
"Tôi thấy ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ hay nói 'sống chết vì đam mê, làm vì đam mê'... Họ lấy dẫn chứng là chỉ người này, người kia thành công, nổi tiếng. Nhưng thật ra, đằng sau những người thành công từ đam mê, đa số đều có nền móng gia đình khá vững chắc. Còn những người chỉ có đam mê, không có điều kiện kinh tế đủ tốt khi bắt đầu, thường chỉ đi được một thời gian ngắn, những cũng chẳng đến đâu, hoặc phải bỏ đam mê giữa chừng vì chuyện cơm áo gạo tiền, con cái, gia đình...

Thế nên, để thành công, để theo đuổi trọn vẹn đam mê, số người tự thân đạt được rất ít và hiếm hoi so với đa số có xuất phát điểm cao. Người có nền móng tốt, vững vàng thì dù gặp 1.000 lần thất bại, họ sẽ vẫn ổn để chờ đợi và bắt đầu lại lần nữa. Còn những người tự thân đi lên, khi gặp khó khăn, đa số chỉ cần bước sai một lần là cả đời phải hối hận, thậm chí còn ảnh hưởng đến bao nhiêu người xung quanh nữa". Khi so sánh giữa lợi thế của con nhà giàu với con nhà nghèo. Nói đến khoảng cách giàu - nghèo, điều đầu tiên hiện ra trong đầu chúng ta thường là tiền. Nhiều tiền tức là giàu, ít tiền tức là nghèo. Thế nhưng, sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không nằm ở đồng tiền mà ở những thứ đồng tiền mang lại một cách gián tiếp như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống...

Đồng quan điểm, một bạn chia sẻ: "Con tôi học trường chuyên, chất lượng dạy và học ở đây rất tốt. Nhưng để vào được ngôi trường này, ngoài thành tích học tập tốt, còn có thêm điều kiện về trình độ ngoại ngữ. Muốn đạt được thành tích về ngoại ngữ đó, con tôi phải theo học ở trung tâm chất lượng cao, học phí khá đắt, đi học từ sớm, nhà phải có người đưa đón... Nói chung, việc đầu tư cũng tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Tôi đã miệt mài dốc sức cho con. Rảnh thì tôi đưa đón, bận thì tôi thuê người, kết quả là con tôi đã đậu vào ngôi trường này. Lớp sĩ số 35 học sinh thì 34 bạn đều có trình độ ngoại ngữ rất tốt, vào trường bằng 'đường chính thống', sức học đồng đều, kinh tế cha mẹ ngang ngửa nhau, các bạn học thêm, học kèm không sót món gì. Ai cũng tự tin đạt thành tích cao.

Ở cấp học dưới, con tôi rất thích chơi cùng một bạn thông minh, lém lỉnh. Tôi thấy bạn đó rất sáng dạ, ưu tú hơn con mình nhiều. Nhưng vì ba mẹ phải chạy ăn từng bữa nên bạn đó không được đầu tư tiếng Anh, không vào được ngôi trường này. Gần đây, tôi có hỏi thăm con về người bạn đó thì được biết bé chơi cùng một số trẻ có ba mẹ cũng bận mưu sinh, nên thường xuyên tụ tập hút thuốc lá điện tử, nói năng bỗ bã. Thấy không phù hợp nữa, nên con tôi ít qua lại".

Hãy xem các tỷ phú được xem là tự thân xuất thân tầng lớp nào? Bill Gates có mẹ làm giám đốc ngân hàng ở Mỹ. Warren Buffet có bố làm nghị sĩ. Mark Zuckerberg có bố mẹ làm luật sư... Cả ba người bọn họ đều có một điểm chung đó là nền tảng gia đình vững chắc. Lỡ họ khởi nghiệp hay đầu tư thất bại, bố mẹ họ vẫn dư sức lo cho một công việc ổn định, thu nhập cao hơn tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

Nói về những lợi thế của con nhà giàu, có thể hiểu như kỹ năng này mạnh thì kỹ năng khác sẽ yếu bớt đi nhưng tổng thể thì rõ ràng trẻ giàu có nhiều kỹ năng ưu thế và đồng đều hơn. Trong khi trẻ nghèo vì hạn chế nhiều mặt nên chỉ đủ lực tập trung vào một vài kỹ năng nổi trội của bản thân. Ví dụ như trẻ giàu có đủ thời gian để vừa chơi vừa học, còn trẻ nghèo chắc chắn chỉ tập trung học và làm gì đó để trang trải nên không có thời gian. Còn kết quả hơn thua thế nào lại là một câu chuyên khác tùy tố chất mỗi trẻ bởi đó là những trường hợp cụ thể, không thể đánh đồng.

Vậy, câu hỏi đặt ra là con nhà giàu và con nhà nghèo khác nhau ở điểm nào? Và chúng ta có nên làm cật lực, để dành cho con cái để chúng có điều kiện sống tốt hơn sau này, hay để con tự bươn chải?

Con nhà có điều kiện, nếu được bố mẹ đầu tư ăn học thì sẽ hơn hẳn con nhà nghèo. So sánh thử vài trường hợp xung quanh tôi: con của sếp và các cấp trưởng bộ phận, được đầu tư học tiếng Anh từ nhỏ, có kỹ năng thuyết trình, phản biện, được ra nước ngoài học các khóa kỹ năng ngắn hạn, nên mới lớp sáu mà các bé đã tự tin nói chuyện với người nước ngoài, sẵn sàng phản biện và đưa ra ý kiến, nhìn sơ là thấy cứng cựa. Còn con của các nhân viên, chỉ học trường lớp bình thường, dù học giỏi đi chăng nữa nhưng thật sự vẫn chưa toàn diện bằng.

Nếu một công ty, tập đoàn nào tuyển dụng, những vị trí cao cũng sẽ dành cho những người có những kỹ năng ngoại ngữ, phản biện, thuyết trình - những cái mà con nhà giàu đã được luyện từ nhỏ. Còn những vị trí làng nhàng sẽ dành cho các bạn khác có điểm số cao trong học tập, có thêm chút kỹ năng và siêng năng, chăm chỉ - đặc điểm điển hình của con nhà nghèo. Sự phân cấp xã hội là như vậy. Những trẻ em con nhà nghèo có nhiều kỹ năng sống hơn, tuy nhiên khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng thường tự mình giải quyết nhưng đa phần là sai vì không có kinh nghiệm sống và phải trả giá. Ngược lại, trẻ em nhà có điều kiện thường hay dùng quyền trợ giúp vì chúng không đủ kỹ năng quyết định. Nhưng cũng vì vậy mà chúng thường giải quyết đúng vấn đề, nên không phải trả giá cho sai lầm. Trong thực tế, có những sai lầm không thể sửa chữa được hoặc khi sửa sẽ có nhiều hệ lụy.

Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện sẽ dễ có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức cập nhật hơn, được đầu tư theo học ở những trường tốt hơn, nhiều nguồn lực phục vụ học tập, hướng nghiệp hơn, dẫn đến lại càng có thêm nhiều cơ hội tốt hơn khi trưởng thành. Điểm khác biệt lớn ở những người sinh ra trong gia đình có tiềm lực tài chính lớn và địa vị xã hội cao là họ có thể làm lại từ những sai lầm của mình rất nhanh. Đó là bởi khi họ mắc sai lầm, những người xung quanh thường có đủ hiểu biết để ngăn chặn, khuyên can trước khi sai lầm trở nên quá lớn. Khi họ muốn sửa sai thì có cả hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ cả về tiền bạc lẫn nhân lực, trí lực, mối quan hệ giúp họ trở lại đường đi đúng đắn. Trong khi đó, đối với người ở hoàn cảnh khó khăn, một sai lầm dù nhỏ cũng có thể mang đến hệ quả lâu dài vì họ không có người chỉ dẫn, tha thứ, dọn đường phía trước để làm lại từ đầu.

Trưởng thành từ những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, người trẻ thường tự tin hơn vì họ không phải chịu nhiều áp lực cơm, áo, gạo, tiền. Điều này giúp cho họ dám nghĩ, dám làm hơn. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả thường được giáo dục theo hướng ươm mầm, khuyến khích phát triển tích cực nên sẽ có xu hướng tự tin vào bản thân hơn những đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích hoặc bị gò ép vào khuôn khổ nhất định...

Bản thân tôi lớn lên trong gia đình bố mẹ là công chức ở thành phố, lương đủ ăn chứ không giàu. Vì hoàn cảnh gia đình trung lưu, không có điều kiện đầu tư học ngoại ngữ ở trung tâm, rèn luyện các khóa kỹ năng mềm, tham gia các lớp trải nghiệm, hướng nghiệp từ nhỏ, nên sau này tôi cũng gặp thiệt thòi khi phải cạnh tranh với những bạn có điều kiện sống cao hơn. Bởi vậy, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, gấp ba, bốn lần bình thường mới có được ngày hôm nay.

Tôi hiểu rõ hơn ai hết ưu thế của những người sinh ra trong gia đình có điều kiện. Vậy nên, là những người cha, người mẹ, chúng ta càng nên phấn đấu, tích lũy để dành cho con những điều tốt nhất, giúp thế hệ sau có môi trường thuận lợi và phát triển toàn diện. Đừng tự bằng lòng hay bao biện cho cái nghèo của mình, cho rằng nghèo nhưng biết phấn đấu vươn lên là được. Hãy nỗ lực hết mình để con cái có tương lai xán lạn hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây