Nhân chi sơ, tính bản thiện, làm người, cái gốc là phải biết một lòng hướng thiện, nhưng quá lương thiện sẽ khiến bạn mất đi bản lĩnh đấu tranh lại với cái ác, với điều bất công, khó mà thành toàn được bản thân.
Lương thiện cũng cần có chừng mực, thứ lương thiện quá đà không biết tùy cơ ứng biến không phải là lương thiện thực sự, mà là đang dùng một phương thức khác đi cổ vũ và thành toàn cho cái ác.
Không làm khó người khác là lương thiện, không không làm khó người khác cũng đồng nghĩa với việc khiến mình phải tủi thân, đây chính là nhu nhược; đối nhân xử thế đúng mực đó là không làm khó người khác, và cũng không bạc đãi bản thân.
Lương thiện, không phải chỉ là thuận người mà tới, mà trước tiên cần phải thuận chính nội tâm của mình.
1. Học cách đưa ra yêu cầu với những người bên cạnh, đừng sợ làm phiền người khác
Có người nói, không phiền hà người khác, là một loại mỹ đức. Bởi lẽ chúng ta thường được dạy rằng "vạn sự phải dựa vào chính mình", "việc của mình phải tự mình làm, đường của mình phải tự mình bước đi".
Vì vậy, càng trưởng thành, chúng ta càng ít mở lời nhờ người khác giúp đỡ, sợ làm phiền tới họ.
Cứ cho rằng phàm là chuyện gì mình thử vài lần là có thể giải quyết thì tuyệt đối sẽ không nhờ vả người khác, mà không biết rằng, thỉnh thoảng làm phiền, nhờ vả người khác sẽ có thể giúp công việc được giải quyết nhanh gọn hơn rất nhiều.
Những người không muốn làm phiền người khác đều cho rằng, nhờ vả người khác, khiến họ phải bỏ thời gian và công sức ra cho mình, chính là một kiểu phiền phức, trong lòng rất không yên.
Vì vậy, họ luôn cố gắng gồng mình lên để làm một chuyện gì đó, có thể không làm phiền tới người khác là tốt nhất.
Thực ra, trong thực tế cuộc sống, học cách làm phiền, nhờ vả sự giúp đỡ từ người khác, thường sẽ giúp bạn đi được xa hơn, trí tuệ lớn nhất của đời người không phải là không bao giờ nhờ vả người khác, mà là thỉnh thoảng hãy nhờ người khác giúp đỡ.
Làm người, đừng sợ phiền hà, chúng ta đều từ trong sự phiền hà mà trưởng thành ra.
Đôi khi, nhờ vả người khác không phải là làm phiền, mà là sự giúp đỡ lẫn nhau, có qua có lại.
2. Học cách nói "không" khi người khác đưa ra những yêu cầu không hợp lý
Trong cuộc sống, có rất nhiều người vì ngại từ chối mà sống rất phiền não, đôi khi, sợ làm tổn thương người khác, miễn cưỡng làm việc mà mình không thích, dần dần phát hiện ra, không biết từ chối đã trở thành thói quen của ta, luôn sợ khiến người khác mất hứng, làm phật lòng họ, không dám mạnh mẽ nói "không".
Thực ra, bạn không cần phải tự làm khó mình như vậy, bởi lẽ, từ chối vốn dĩ là quyền lợi của con người.
Lương thiện, không phải là thỏa hiệp với mọi thứ, nhiều khi, chúng ta cũng cần phải nghĩ tới cảm nhận và suy nghĩ của bản thân, kịp thời nói không, đặc biệt là khi người khác đưa những yêu cầu không hợp lý, hay khả năng của bản thân không thể đáp ứng được, hãy dứt khoát nói "không", đừng để họ làm tổn thương mình, cũng đừng tự mình làm khó mình.
Sống ở đời, nhất định phải học cách nói không, dứt khoát cự tuyệt những việc mà mình không muốn làm, đừng do dự chần chừ, thái độ không cần quá gắt, nhưng nhất định phải từ chối.
Như vậy, tốt cho bạn, cũng tốt cho người khác, bạn nhất định phải thể hiện rõ lập trường của mình, vừa là cởi trói cho bản thân, vừa không để người khác phải trông mong chờ đợi, ôm quá nhiều hi vọng.
3. Đối mặt với mâu thuẫn, đừng lúc nào cũng "rụt đuôi"
Làm người, phải có nguyên tắc của bản thân, có một vài chuyện không cần lúc nào cũng nhún nhường, nếu không thì phiền phức sẽ ngày càng nhiều, bạn lúc nào cũng sẽ phải nén cục tức vào trong.
Nhiều khi, chúng ta cho rằng lùi một bước là trời rộng sông dài, vì vậy, khi đối mặt với mâu thuẫn, họ âm thầm lựa chọn "rụt đuôi", trốn tránh, hoặc là không nói gì chịu bị mắng, hoặc là không ngừng xin lỗi, luôn tỏ ra yếu thế để hóa giải xung đột.
Nhưng đời đâu phải lúc nào cũng được như ý người, thế gian này tồn tại những kiểu người cậy mạnh hiếp yếu, bạn có lòng tốt nhường nhịn, họ lại tưởng bạn dễ bắt nạt, dễ ức hiếp, càng được nước lấn tới, đẩy bạn tới đường cùng mới hả hê.
Có vài người, có vài việc, chúng ta luôn muốn nhường nhịn, chừa cho đối phương một lối thoát, nhưng người khác không những giả ngốc không hiểu mà còn quay lại cắn bạn một phát, đối mặt với những người như vậy, có thể trở mặt hãy trở mặt, lúc không nhẫn nhịn được nữa thì không cần phải nhịn.
Người lương thiện, thường đem lại cảm giác thân thiện dễ gần, dễ được người xung quanh tiếp nhận và quý mến hơn, nhưng ở một vài trường hợp khác, quá lương thiện, không có sự phản kháng, sẽ tự khiến bản thân rơi vào một vũng lầy không đáy.
Đối mặt với những yêu cầu vô lý tới từ những người không lương thiện, thực ra cách tốt nhất đó là ngay từ khi bắt đầu hãy cho thấy mình không phải người dễ dãi, không dễ dàng khuất phục người khác, dù họ không vui, nhưng cũng để họ biết cá tính của bạn.
Một người lương thiện, càng cần phải có lập trường, có nguyên tắc, đối mặt với những người không đáng, bạn không cần phải nể mặt hay nể tình nghĩa.
Thực ra, không thương xót kẻ ác, kẻ không ra gì, cũng là một loại đạo đức!