Phúc khí vốn là một nhân tố hư vô, không hiện hữu trong đời thực, cũng rất khó để chúng ta có thể nhìn thấu và nắm bắt. Thế nhưng, dường như lúc nào chúng cũng được phản ánh trong cuộc sống đời thường.
Thông thường, một người tâm địa thiện lương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, tin tưởng vào chân thiện mỹ của thế giới, tin rằng "gieo nhân nào gặt quả ấy", sẽ là người gieo việc thiện, gặt hái điềm tốt lành.
Xét theo khía cạnh tâm lý, có người cho rằng, phúc khí là một loại tu dưỡng, rèn luyện tâm hồn, bắt đầu từ việc đối nhân xử thế hàng ngày. Lời ăn tiếng nói hay nguồn năng lượng xung quanh họ luôn đúng đắn, chuẩn mực, tinh tế và tích cực, khiến người khác muốn tiếp xúc gần gũi hơn. Như vậy, không cần chủ động tìm kiếm quý nhân, quý nhân cũng sẽ nguyện lòng giúp đỡ họ khi cần thiết.
Thông qua quan sát từ cuộc sống, người ta cho rằng, người thực sự sở hữu phúc vận trong người thường có 3 phẩm chất đặc biệt sau đây:
Không ham hư vinh, biết trân trọng công sức và ngợi khen người khác
Chỉ có người không ham hư vinh mới có thể sống thẳng lưng, đứng thẳng người, không khom lưng luồn cúi hay vì lợi quên nghĩa. Dù cuộc sống phải đối mặt với nhiều ham muốn, họ vẫn có thể thong dong tự tại, sống đúng với nguyên tắc của chính mình. Dục vọng cá nhân không thể sinh trưởng ác ý, trở thành khối u ác tính, chi phối tư duy và hành động con người.
Cũng nhờ vậy, họ thấy người khác đắc được thứ tốt thì vui vẻ, gặp người tốt việc tốt thì có lòng biết ơn. Khác với nhiều người có tâm lý cực đoan, luôn đánh đồng lời khen với sự a dua, xu nịnh, người khôn ngoan biết cách nhìn nhận tỉnh táo hơn.
Họ luôn trân trọng công sức của người khác, đánh giá đúng những điều họ đã bỏ ra, dành cho họ những lời khen ngợi hoặc cảm kích xứng đáng. Dù là hữu hình hay vô hình, đây chính là cảm xúc tích cực, tạo động lực và trải nghiệm tốt đẹp cho mọi người xung quanh.
Người sở hữu phẩm chất này thường có các mối quan hệ vững chắc, người khác đều muốn hợp tác, kết giao, xây dựng được nền tảng thuận lợi để đương đầu với nghịch cảnh.
Hãy tử tế và sẵn sàng giúp đỡ người khác
Cổ nhân có câu: "Thông minh là một loại thiên phú, còn lương thiện là một loại lựa chọn."
Từ xưa đến nay, lương thiện là loại đạo đức tốt đẹp nhất của con người thế gian. Người sống tốt đẹp và tử tế luôn dễ dàng thu phục lòng người. Có ai mà không muốn kết giao, làm bạn với người có tấm lòng thiện lương?
Bởi vậy mà cổ nhân giảng, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Lương thiện có lẽ không thể khiến con người đạt được tất cả mọi thứ bản thân mong muốn nhưng sẽ giúp con người luôn có nội tâm an định, tường hòa.
Ở hiền gặp lành, lòng bao dung của con người thực sự có thể đem lại những kết quả tốt đẹp nằm ngoài dự đoán của tất cả chúng ta.
Trong cuộc sống, có người chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi mà cân đo đong đếm, có người bởi gặp phải thất bại nhất thời mà thống khổ không thôi. Con người ta thường có một ‘bệnh’ chung như vầy: hẹp hòi, nhỏ mọn, khó hiểu, phiền não, u sầu, tự ti, tuyệt vọng, đố kỵ, nghi ngờ… Mà đối với những người rộng lượng, những thói xấu này không thể cản bước chân vì tâm thái của họ luôn bình tĩnh xử lý, tiêu sái tự nhiên, vững vàng thành thạo.
Người rộng lượng, sống tử tế thiện lương thường được đánh giá là người thành công trong cuộc sống, không những trong các hoạt động cộng đồng, trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân. Họ giúp người khác khi cần cũng như tạo điều kiện cơ sở cho người đó được thành công.
Nhà văn người Mỹ – Zig Ziglar từng nói: "Bạn có thể có mọi thứ bạn muốn trong cuộc sống nếu bạn giúp người khác có cái họ muốn".
Thật lòng mà nói khi bạn tử tế với ai thì người đó cũng sẽ đối đáp với bạn như thế. Chìa khóa thành công của người rộng lượng là cho đi hơn nhận lại. Tuy nhiên, những điều họ nhận được còn lớn hơn rất nhiều những thứ họ cho đi. Không chỉ trong sự nghiệp hay công việc, mà chính tình hữu nghị, các mối quan hệ cá nhân cũng trở nên gần gũi và thân thiết hơn. Khi sở hữu một tấm lòng tử tế, bạn càng có sức thu hút hơn.
Biết cách tôn trọng người khác
Giao tiếp là một con đường hai chiều. Nếu bạn tôn trọng ý tưởng và chọn lựa của người khác, họ cũng sẽ tôn trọng bạn và lắng nghe bạn. Ngược lại, họ cũng tìm cách chống đối bạn, coi thường bạn và "vượt mặt" bạn.
Với kẻ kiêu căng tự mãn, chỉ một thành tựu nhỏ cũng đủ để họ lộ ra bản chất tự cao tự đại của mình. Lâu dần, khi tự kiêu trở thành một loạt thói quen, họ cũng dễ dàng coi thường những người xung quanh.
Kẻ hay chê cười người khác như không khí độc, chỉ khiến mọi người muốn bỏ chạy. Ngược lại, một người biết tôn trọng người khác sẽ giống như không khí trong lành, khiến mọi người thấy dễ chịu, thoải mái khi tiếp cận.
Trên đường đời, người có phúc khí sẽ nắm trong tay chiếc chìa khóa quan trọng để thành công, đó chính là sự "tôn trọng" được biểu hiện chân thành. Bất kể bạn giàu có hay nghèo khó, nhưng khi bạn tôn trọng người khác, bạn sẽ luôn tốt đẹp trong mắt họ.
Đừng áp đặt thói quen của mình lên người khác. Cần phải học cách nhìn nhận sự khác biệt đến từ bản chất và hòa nhập với nhau. Hẳn nhiên, tôn trọng cũng không phải là con đường một chiều, mà là hai chiều. Món quà quý giá nhất dành cho người thương yêu không phải hoa hay quà đắt tiền, mà là sự thấu hiểu và tôn trọng.
Sở hữu những phẩm chất trên chứng tỏ bạn là một con người đáng nể, cũng vô cùng đáng tin, giành được thiện cảm của mọi người. Đồng thời, tâm thái tích cực còn có thể cuốn hút, cảm hóa và khích lệ người khác, dễ dàng nhận được thiện cảm và ấn tượng tốt từ người khác. Do đó họ sẽ dễ gặp được quý nhân trợ giúp.
Muốn được phúc báo trước hết hãy sống tốt. Khi bạn suy nghĩ đến những điều tốt đẹp, làm những điều tốt đẹp thì cuộc sống tự nhiên sẽ mỉm cười với bạn.